Học được gì trên hành trình sáng tạo nội dung từ anh Mạnh Vũ (Mạnh Vibe)
(Dành cho bạn nào đã đọc trên Facebook thì bài này mình đã post trên Phở Bò hồi tháng 6, giờ chuyển nhà lên Substack nha chứ nội dung vẫn vậy ạ)
Sau buổi cafe 1,5 giờ nhờ một người anh 341K followers (TikTok & Instagram, chưa kể YouTube & Facebook) góp ý về các bài viết hiện tại cũng như chia sẻ thêm về hành trình làm nội dung, xây kênh thương hiệu cá nhân thì dưới đây là ghi chép ngắn gọn của mình về một số câu hỏi nổi bật mà có thể bạn cũng rất quan tâm đến câu trả lời.
Đặc biệt nếu bạn cũng đang trong quá trình blogging hay làm content marketing, hoặc chỉ đơn giản là tò mò về kỹ năng lách viết trên mạng xã hội.
—
1. Ba người thầy nào trên Internet tạo sức ảnh hưởng tới anh nhất trong sự nghiệp làm sáng tạo nội dung?
Trả lời:
Gary Vee, Alex Hormozi, Naval. Đặc biệt là Gary Vee về cách kể các câu chuyện. Tuy nhiên phần lớn thời gian là dành cho việc tập luyện. Hơn là học quá nhiều.
Mỗi khi bị ấn tượng về một tư duy hay cách làm nào đó từ người khác, mình luôn tò mò họ học được chúng từ đâu, nguồn nào. Thế nên câu này là mình hỏi, nhờ đó đã biết thêm một người thầy nữa là Cardi B.
—
2. Làm sao để viết tốt? Và cân bằng giữa việc tiêu thụ thông tin và sản xuất nội dung như thế nào? Vì nếu cứ mải “work out” mà không “work in” thì cũng dở.
Trả lời:
Để “output” tốt thì “input” phải ngon. Anh không có cài facebook trên điện thoại, mà set-up email để đọc newsletter của 3 người thầy trên mỗi ngày. Cũng như ưu tiên xem các nội dung của họ nhất.
Tiêu thụ nội dung có chọn lọc & bớt tiêu thụ những thứ linh tinh khác. Tiêu thụ đúng, đủ & quan trọng là có ngân hàng lưu trữ thông tin, thêm với ngân hàng lưu trữ các câu chuyện mỗi ngày thông qua việc viết nhật ký. Từ đó có đầy đủ nguyên liệu tươi xanh ngon và hệ thống chạy mượt để sản xuất con chữ.
Rất là đồng ý với ý kiến này từ anh vì một tháng qua mình cũng làm y vậy, bớt lướt linh tinh & bớt xem story thụ động. Chỉ chủ động xem và đọc nếu thấy cần thiết. Mỗi tội phải viết thật nhiều hơn nữa mới lên tay.
—
3. Làm sao để tránh tình trạng nhàm chán từ người đọc vì cảm thấy mình đang nói đạo lý? (Câu này mà tách riêng ra thì được thêm một bài viết nữa vì phần chia sẻ khá hay mà lại thật lòng)
Trả lời:
Thứ nhất, về tư duy.
Nếu bạn cứ lo những điều mình nói ra bị người khác phán xét hay đánh giá thì thực ra ai cũng nói đạo lý cả thôi. Chẳng qua là đang nói trên quy mô nào.
Nhìn thẳng vào bản thân chúng ta mỗi khi đưa ra lời khuyên nào đó cho người khác, ví dụ là bạn bè, hay người thân, thì đó cũng là lúc ta đang nói đạo lý trên một diện nhỏ. Còn trên mạng xã hội thì đôi khi ta không muốn thể hiện ra hay bày tỏ ý kiến vì sợ bị đánh giá ở một phương diện rộng.
Nếu mình thực sự tin vào những gì bản thân đang nói, và những gì mình nói ra là có giá trị cho những ai mong muốn lắng nghe điều đó từ mình, thì hãy cứ chia sẻ chúng một cách thành tâm & bỏ qua lời phán xét của tất cả những người mà mình cảm thấy không phù hợp.
Nghe tới khúc này làm mình nhớ tới một đoạn trò chuyện của Nas Daily & Thuỳ Minh. Ổng bảo trên đời này ngoài các nhà khoa học, toán học, hay bác sĩ đi tìm kiếm sự thật ra thì làm quái có cái gì là sự thật mà theo đuổi. Mọi thứ còn lại đều là quan điểm, vì thế nên không có đúng sai, mà chỉ có phù hợp hay không phù hợp.
Đến cả các vấn đề nhạy cảm như phân biệt chủng tộc hay hiếp dâm còn có những quan điểm phát biểu như đang phê cỏ cơ mà.
Ví dụ ngay như mình đây có lần đi bộ đi học bị vuốt mông ngay giữa ban ngày ban mặt, về kể với bạn cùng phòng mà bạn ấy bảo chắc phải trông thế nào mới bị như thế. Hẳn cũng là con gái với nhau mà bạn dặn ra được cái câu như đấm vào mồm ấy, thế là từ đó mình cũng không dám chơi bời gì với bạn nữa.
Vậy nên bạn nói cái đếch gì thì cũng sẽ có người ghét. Vì tất cả chỉ là quan điểm, người đồng ý thì về phe bạn còn người không đồng ý thì chửi bạn. Hoặc đơn giản vì người ta ghét mình sẵn nên mình thở thôi cũng làm họ ghét vãi ra.
Thế nên là, hãy tự tin chia sẻ những gì mình nói. Và cũng không sao cả nếu một lúc bạn nhận ra nó không còn đúng nữa. Quan điểm cũng có tính chất thời điểm, khi chúng ta trưởng thành hơn thì một số góc nhìn và quan điểm cũng sẽ khác. Chỉ đơn giản là thừa nhận rằng mình đang lớn.
Tuy nhiên, phải trực tiếp viết, trực tiếp làm, trực tiếp trải nghiệm bị người đọc chửi và vượt qua được nó thì mới thấm được. Chứ nếu không tất cả cũng chỉ là văn tuệ.
Còn nếu bạn cảm thấy vẫn chưa sẵn sàng và muốn có một hướng đi an toàn hơn thì có thể làm theo một số cách như thế này.
Không lôi trải nghiệm cá nhân để áp đặt cho số đông bởi đây là đạo lý dễ bị ăn chửi nhất.
Nói đạo lý một cách nhẹ nhàng như chú Hiếu, luôn đưa bối cảnh rất rõ ràng bao gồm các thông tin về xuất phát điểm, tình huống, hoàn cảnh xung quanh.
Luôn rào trước rằng nó đúng với hoàn cảnh và trải nghiệm của tôi, nếu bạn cũng có hoàn cảnh tương tự như vậy thì có thể nó sẽ phù hợp cho bạn.
Còn nếu không thì chưa chắc đúng.
Hoặc một cách thứ hai là gỡ bỏ hình tượng chuyên gia xuống và khoác lên mình chiếc áo của người phóng viên.
Như cách mình đang trình bày bài viết này qua việc tổng hợp quan điểm và câu hỏi của những người có mặt trong buổi chia sẻ hôm đó. Mình không viết chúng dưới góc nhìn cá nhân mà chia sẻ chúng hoàn toàn từ góc nhìn của người anh 340K followers đó.
Nên đừng ai chê mình đạo lý nha, giận đấy.